NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Tư vấn thành lập doanh nghiệp

Hiện bạn đang có ý tưởng kinh doanh và một ý định thành lập doanh nghiệp đang hình thành, nhưng bạn lại đang phải cân nhắc giữa những loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, hay công ty cổ phần. loại hình công ty nào phù hợp với ý tưởng kinh doanh của bạn, phù hợp với mức vốn hiện có của bạn?
Trước hêt, khi bạn thành lập doanh nghiệp bạn cần trả lời được các yếu tố chính sau: mức thuế bạn phải nộp, trách nhiệm cá nhân đến đâu, vốn hiện đang có, dễ dàng sang nhượng vốn hoặc thay thế chủ sở hữu mới. Để giúp bạn có thể lựa chọn được loại hình công ty phù hợp FSD đưa ra những ưu và nhược điểm của các loại hình công ty, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại hình công ty mà bạn đang có ý định thành lập.

1. Doanh nghiệp tư nhân ( DNTN)

DNTN là loại hình doanh nghiệp dễ điều hành nhất, do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ sở hữu duy nhất của DNTN là một cá nhân. DNTN không có tư cách pháp nhân.

– Ưu điểm:

Sở hữu và trách nhiệm : DNTN có chủ sở hữu duy nhất và hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp.

– Nhược điểm:

(1) Không có sự tách bạch về tài sản giữa chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp dẫn đến khi có rủi ro xảy ra, chủ Doanh nghiệp tư nhân sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình và của cả DNTN chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn góp vào doanh nghiệp như ở loại hình công ty TNHH hoặc CTCP.
(2) DNTN không có tư cách pháp nhân, điều này cũng là một nhược điểm khá lớn. Bởi không phải nghiễm nhiên mà pháp luật lại trao tư cách pháp nhân cho một tổ chức để hoạt động trên thực tế. Tư cách pháp nhân sẽ giúp cho doanh nghiệp tạo lòng tin trước khách hàng khi giao dịch bởi nó có sự tách bạch về tài sản và khả năng chịu trách nhiệm cao hơn khi có rủi ro xảy ra.
(3) Về cách thức huy động vốn: Nếu như công ty Cổ phần có quyền phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu, công ty TNHH có quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn (đây là lợi thế của hai loại hình này) thì DNTN lại không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Đây là loại hình doanh nghiệp do một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.
– Ưu điểm:
(1) Lợi thế của công ty TNHH một thành viên là chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty nên các quyết định được đưa ra nhanh chóng và kịp thời, không mất nhiều thời gian để thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề quan trọng như ở loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.
(2) Do có tư cách pháp nhân nên chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu và đây là điểm hơn hẳn DNTN.
– Nhược điểm: Việc huy động vốn của công ty TNHH bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phần. Do đó, việc huy động vốn của loại hình công ty này bị hạn chế hơn nhiều so với CTCP.

3. Công ty cổ phần

Là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
– Ưu điểm
(1) Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao
(2)  Khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.
(3) Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty.
(4)  Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần; việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
(5) Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân do đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc không hạn chế số lượng thành viên tham gia vào thành lập và góp vốn vào công ty giúp cho công ty cổ phần dễ dàng mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh của mình mà không bị giới hạn như các loại hình doanh nghiệp khác cả về yếu tố vốn và nguồn nhân lực.
(6) Việc quản lý điều hành công ty thông qua hội đồng quản trị công ty, các quyết định được đưa ra trên cơ sở biểu quyết theo tỉ nhất định theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty đối với từng vấn đề cụ thể, do đó đảm bảo sự khách quan, công bằng và hạn chế được rủi ro mang ý chí chủ quan của một cá nhân như ở loại hình công ty TNHH một thành viên hoặc DNTN.
– Nhược điểm:
(1) Do số lượng thành viên không hạn chế nên cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần nhiều khi hơi cồng kềnh và nếu không có phương án quản lý hợp lý thì đây sẽ là một khó khăn đối với loại hình doanh nghiệp này.
(2) Việc quyết định các vấn đề quan trọng dựa trên tỉ lệ phiếu bầu trong cuộc họp HĐQT của công ty, nhiều lúc sẽ làm mất thời gian do phải triệu tập cuộc họp theo đúng thể thức luật định, dẫn đến trường hợp có những vấn đề cần giải quyết ngay nhưng không thể đưa ra được quyết định kịp thời do đó gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Tóm lại
Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những mặt mạnh và mặt hạn chế riêng của nó. Do đó, trước khi quyết định đầu tư thành lập doanh nghiệp theo loại hình công ty nào, chủ doanh nghiệp (hoặc nhà đầu tư) cũng nên cân nhắc thật kỹ trên cơ sở các yếu tố hiện của của mình (ý tưởng kinh doanh, vốn, trách nhiệm cá nhân,…)  để đưa ra lựa chọn cho phù hợp nhất.